Đi qua những ngày thử thách mới thấy yêu thêm lòng nhân ái con người
02-06-2020
Sau những ngày tháng khó khăn trong đợt dịch Covid 19 vừa qua, tôi may mắn được đi, gặp và chứng kiến nhiều câu chuyên khiến mình nhận ra những giá trị sống tốt đẹp vẫn luôn tồn tại âm thầm khắp nơi trên đất nước này. Hành trình ấy tôi xin được đặt tên “Cảm ơn những anh hùng thầm lặng”.
Có mặt tại Lai Châu trong những ngày cuộc sống người dân dần trở lại bình thường, tôi được giới thiệu đến một nông trường cách xa trung tâm thành phố gần 10 km để gặp một anh nông dân chất phác, anh tên Trường. Anh Trường là người trong suốt những tuần lễ căng thẳng của dịch bệnh, đã quyên góp nông sản mình thu hoạch đem tặng được cho các y bác sĩ và các gia đình khó khăn đang cách ly, chữa bệnh tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
“Vào giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, khi nghe tin các y bác sỹ và những bệnh nhân nghèo ở bệnh viện tỉnh Lai Châu cần những phần nông sản để có bữa ăn đủ dinh dưỡng mỗi ngày, em mới chợt nhận ra là mình cũng có thể góp sức một chút gì đó. Cảm giác chạy xe mỗi sáng sớm để gửi tặng nông sản mình trồng được cho bệnh viện khó diễn tả lắm, nó khiến em thấy vui vui trong lòng cả ngày”, anh cười kể về những ngày vừa qua.
Lòng nhân ái đôi khi bình dị, mộc mạc như vậy đó. Nó luôn sẵn có trong mỗi người chúng ta, cứ cho đi và đừng nghĩ gì xa xôi, tình yêu đó sẽ lan tỏa rộng khắp. Và đôi khi, nó là những giấc mơ được ấp ủ từ thuở bé theo những câu chuyện của mẹ, của bà. Như câu chuyện của chị Thành Thu Lương và nhóm Thiện nguyện Mùa thu và những người bạn tại Hà Nội là một trong số đó.
Trưởng thành trong một gia đình khó khăn và có người bà bị loà, thương bà, thương luôn những mảnh đời thương khó trong các câu chuyện kể của bà, chị luôn ao ước lớn lên có thể giúp đỡ những cộng đồng khó khăn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Khi dịch tràn về, những gia đình khiếm thị vốn đã nghèo càng thêm khó. Không quản ngày thường hay cuối tuần, chị cùng những người bạn nấu và trao tặng từ những bữa cơm đến các phần lương thực khô hỗ trợ cho các gia đình khó khăn xoay sở phần nào.
Khi được hỏi liệu rằng chị có lo ngại gì bởi thời gian ở ngoài còn nhiều hơn ở nhà khi trong lúc những hoang mang về dịch bệnh còn nhiều, chị chia sẻ: “Mình nghĩ nếu ai cũng sợ hiểm nguy thì những y bác sỹ ở tuyến đầu còn lo lắng hơn nữa, cả cộng đồng đều sống trong sợ hãi thì chúng ta sẽ qua những ngày gian khó này thế nào? Mình may mắn được đồng hành, chia sẻ với những người bạn thật sự tuyệt vời. Nhóm mình chẳng ai ngần ngại hay làm vì nghĩ sẽ để được ban trả ơn phước từ đời. Với bọn mình, chia sẻ là hạnh phúc, là gieo niềm vui nhận nụ cười”.
Dọc về miền Trung tới Đà Nẵng, tôi tìm đến “bếp trưởng” của dự án “Khay cơm yêu thương” – cô Nguyễn Thị Trà Liên để hiểu vì đâu mà một phụ nữ nhỏ nhắn có thể xắn tay đứng bếp chính với cả ngàn suất cơm từ thiện mỗi ngày trong suốt giai đoạn đỉnh cao của giãn cách xã hội.
“Nghĩ mình làm việc gì đỡ cho người nghèo khó là mình làm, thức khuya dậy sớm hay nặng nhọc gì cũng không cảm thấy mệt”, cô Liên tâm sự về những “suất cơm đặc biệt” trong suốt 21 ngày mình “phục vụ” cộng đồng và lan toả yêu thương. Một kỷ niệm khó quên của nhóm là hình ảnh một bà cụ khi nhận được suất ăn từ nhóm thiện nguyện thì chỉ dám ăn 1 phần cơm trắng và rau, chừa lại khúc cá ngon. Cụ bà nói bà ăn vậy đã đủ, bà muốn dành lại phần cá này cho đứa cháu ở nhà cần nhiều dinh dưỡng hơn và chóng đói hơn.
Một hôm khác, vừa khi phát cơm tại bệnh viên, cô lại được một chú lớn tuổi đến dúi vào tay 150.000 đồng. Chú là người đang chăm người nhà, hôm qua có đến nhận cơm, rồi hỏi về chương trình để hôm sau lại ghé nhưng là để góp 150.000 đồng.
“Lúc đó tôi rất xúc động, 150.000 đối với những người khác không là bao nhưng với những người khó khăn là lớn lắm, họ đã cho đi để giúp những người cần nó hơn, đó là tinh thần lá lành đùm lá rách”, ánh mắt cô đong đầy yêu thương và lạc quan khi nhớ lại.
Còn niềm hạnh phúc nào hơn khi thấy sự nảy nở của tình yêu và lòng nhân ái được thắp lửa một cách chân thành như thế? Rời Đà Nẵng để về lại Sài Gòn, còn nhớ mới đây báo chí và người dân chia sẻ hình ảnh của những con đường trung tâm vắng hoe. Ấy thế mà, có nơi thì lại chẳng ngơi người ra vào đông đúc trong lúc ấy.
Những ngày giữa tháng 3, khi cả nước đón gần 10.000 kiều bào trở về trong giai đoạn căng thẳng dịch bệnh thì các khu cách ly trở thành những “tâm điểm nóng”. Y sỹ Thu Hà cùng rất nhiều các bác sĩ và chiến sĩ khác tại trường Quân sự Quân đoàn 4 tỉnh Bình Dương cũng gian nan thử lửa không kém. Giờ đây khi không còn ai cách ly tại trường nữa, người y sỹ mới có chút thời gian ngồi lại và ngẫm nghĩ về những ngày đã qua.
“Ngày ngày, chúng tôi luôn động viên nhau rằng không sao đâu, Việt Nam sẽ vượt qua trận chiến không súng đạn này, những anh em bộ đội đang cố gắng ở biên giới hay những khu vực khó khăn khác cũng đang phục vụ nhân dân, đất nước như mình, mình phải cố lên!”, chị Hà chia sẻ.
Xa gia đình gần 1 tháng, cộng thêm việc phải đối diện với những hoang mang khi dịch bệnh đang lên cao mà chị lại là ở nhóm xung phong đầu tiên tham gia công tác, chị vẫn trả lời tôi với nụ cười tươi: “Bình thường mà em, mang trên mình vừa là áo người lính, vừa là chiếc áo blouse, chỉ nghĩ đơn giản lúc ấy việc của mình là vậy thôi.” Và chính nụ cười lạc quan ấy mà bao người sau khi kết thúc kỳ hạn cách ly, chào nhau cũng thấy xúc động, dù chẳng ai nhìn biết mặt chị vì chiếc khẩu trang thường trực.
Dừng chân tại thành phố, cũng là lúc tôi có dịp trò chuyện với anh Thạnh – người tài xế mới vừa trở về sau hành trình xuyên tỉnh Trung-Nam chở hàng hóa cứu trợ cho tuyến đầu. Là những giờ nghỉ ngơi vừa đủ ngắn ngủi, bữa ăn vội vã, là những lần mặc bộ đồ bảo hộ PPE để lên xuống hàng ở khuôn viên bệnh viện, khu cách ly cũng không làm quản ngại những người con dặm trường.
“Hơn 10 ngày đêm từ TP.HCM đến tận Quảng Bình vừa thử thách sức khỏe, vừa thử thách lòng kiên nhẫn của tôi, nhất là khi vợ và con nhỏ lại lo lắng nhiều hơn trong khi cả xã hội giãn cách, mình lại cứ chỉ đến những điểm nóng. Nhưng chỉ cần nghĩ đến những người đang cần các hàng hóa này, tôi lại có thêm động lực để vượt qua”, anh Thạnh nhớ lại những ngày rong ruổi cùng những kiện hàng cứu trợ.
“Nhớ những ngày cầm lái thực hiện hành trình, tôi chỉ dám dừng tạm ở các cây xăng và mắc võng ngủ tạm vài tiếng để lấy sức sau đó tiếp tục lộ trình ngay vì tôi biết là ở các khu cách ly đang rất cần trang thiết bị y tế, lúc ấy thời gian quý trọng hơn vàng”, anh Thạnh kể lại.
Những dòng chữ không thể hiện hết lời cảm ơn mà không chỉ tôi, nhưng rất nhiều người dân muốn gửi đến những anh hùng đã đưa Việt Nam chiến thắng ngày tháng khó khăn một cách đáng khâm phục. Dù là những người con tiền tuyến xông pha hay những câu chuyện thầm lặng chăm sóc yêu thương nhau ở nơi hậu phương, những yêu thương bình dị như anh Trường, chị Lương, cô Liên, chị Hà, anh Thạnh và hàng vạn câu chuyện nhân ái khác, tất cả đều là những anh hùng đáng được kể về.
Những người anh hùng thầm lặng ấy đã cho tôi biết tình yêu và lòng nhân ái vẫn luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, chúng sẽ tỏa sáng “rực rỡ” để xua đi những đêm đen thử thách. Đó là giá trị mà chúng ta qua bao đời này vẫn luôn trân quý, là cách mà nhân loại sau mỗi kỳ khủng hoảng lại trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ hơn./.
Nguồn: VOV.vn
Bài: Hoa Liên | Thiết kế: Hà Phương
Trình bày: Tuấn Linh